Thời kỳ Tổng Giám mục Hà Nội (1960 – 1978) Giuse_Maria_Trịnh_Như_Khuê

Chức vị Tổng Giám mục

Năm 1960, cùng với sự thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam, Hạt Đại diện Tông Tòa Hà Nội trở thành Tổng giáo phận, Giám mục Trịnh Như Khuê trở thành Tổng Giám mục Tiên khởi của Tổng giáo phận Hà Nội,[66][67][68] đứng đầu Giáo tỉnh Hà Nội. Thông cáo về thông tin này, linh mục Tổng Đại diện Trịnh Văn Căn thông báo cho giáo hữu trong thư số 1 của Tòa Tổng giám mục Hà Nội đến ngày 13 tháng 1 năm 1961. Thư loan tin ngày 11 tháng 2 cùng năm, Tổng Giám mục Khuê sẽ cử hành nghi lễ tạ ơn. Thư chung số 6 năm 1962 ký ngày 25 tháng 4 năm 1962 loan tin Tổng giám mục Khuê đã ấn định tháng 8 dương lịch là tháng kính Trái Tim Mẹ Maria.[69] Nhằm cầu nguyện cho Công đồng Vatican II, Tổng giám mục Khuê mời gọi giáo hữu cầu ngyện cho công đồng này, cho phép cử hành hai lễ, các lễ nghi chầu Thánh Thể trọng thể. Vì nhận định Chúa Thánh Thần là tác nhân tác động trong Công đồng, ông cho khai mở tuần chín ngày (cửu nhật) để các giáo hữu cầu nguyện, xin ơn Thánh Thần. Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở về những ích lợi khi cầu nguyện cùng Thánh Tâm. Thư chung nói về các công việc này đề ngày 13 tháng 5 năm 1962, do linh mục Nguyễn Ngọc Oánh thay lời Tổng giám mục Khuê. Việc cầu nguyện cho công đồng cũng một lần nữa được nhắc đến trong thư chung ngày 10 tháng 11 năm 1963.[70]

Nhận định về tình hình các giám mục Công giáo tại miền Bắc Việt Nam, tờ The Catholic Advocate trong số ra ngày 16 tháng 8 năm 1962 thông tin các giám mục tự do sống tai các Tòa giám mục, tuy vậy cần xin phép nếu muốn thi hành các công việc mục vụ ở các địa phương, trong khi giấy phép này không được cấp nữa.[71] Năm 1963, chính quyền Việt Nam không cho phép bất kỳ Giám mục Công giáo nào tham dự Công đồng trong phiên khoáng đại diễn ra cùng năm.[72][73] Báo cáo ngày 8 tháng 10 năm 1964 của Catholic News Service cho biết tính đến ngày này, đã có tất cả ba lần ngăn cản từ chính quyền.[74]

Chưa đầy ba năm sau khi trở thành Tổng giám mục Hà Nội, ngày 2 tháng 6 năm 1963, Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê bất ngờ phong chức Tổng Giám mục phó với quyền kế vị cho linh mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn.[75] Lễ tấn phong được cử hành tại Nhà thờ Lớn Hà Nội.[76][77] Lý do được đưa ra theo thông cáo của tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1963 là:[75]

Sự truyền chức cho Giám mục Phó, Đức Tổng Giám mục vẫn nghĩ còn lâu mới làm, và không biết là bao giờ, nhưng chúa nhật ngày 26 tháng 5 năm 1963, tự nhiên Đức Tổng Giám mục thấy mình trở nên lòa, hầu như mù vậy, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa, trông ra ngoài sân không còn trông rõ cây và sân cỏ, khi ăn cơm không còn trông rõ bát, bệnh lại tiến lên nhanh lắm, Người nghĩ rằng sẽ mù hẳn... Trong lúc ấy, Người chẳng nghĩ đến việc chạy chữa thuốc men, chỉ nghĩ đến sự truyền chức cho Giám mục Phó, và kêu xin Chúa cho bệnh giảm đi, ít là trông rõ chữ để truyền chức. Sau khi ăn cơm xong mấy phút, bệnh đã giãn ra, Người đã trông rõ như trước, nhưng sợ bệnh trở lại, Người đã vội vàng truyền chức cho Giám mục Phó..."

Tháng 8 năm 1967, người đứng đầu tuần báo Anglican Francis James đã quyết định gửi tiền hỗ trợ đến hai miền Việt Nam. Số tiền này đến từ sự đóng góp của mọi người và sử dụng vào mục đích phi quân sự. Trong đợt nhận tiền đầu tiên, Tổng giám mục Khuê nhận được 224 đô la Mỹ, trong khi đợt sau ông nhận được 3.360 đô la. Song song với hai đợt chuyển tiển trên, Mặt trận Giải phóng nhận lần lượt 392 và 5.600 đô la; phía Sài Gòn nhận được 2.240. Khi có sự lo lắng về việc số tiền trên được (miền Bắc) sử dụng để chống lại phía quân đội Úc ở miền Nam, ông James nhận định khó có khả năng vị Tổng giám mục Hà Nội sử dụng tiền vào mục đích này.[78] Nhân dịp một trăm năm lễ hiến dâng Hạt Đại diện Tông Tòa Tây Đàng Ngoài cho bà Maria, Giáo hoàng Phaolô VI đã gửi thư cá nhân đến Tổng giám mục Trịnh Như Khuê. Bức thư ra đời ngày 1 tháng 11 năm 1968.[79][80][81]

Tháng 10 năm 1972, số tiền 700 USD được gửi đến Tổng giám mục Hà Nội Trịnh Như Khuê, nguồn đến từ các giáo sĩ và giáo dân Oakland nhằm hỗ trợ những đau khổ do chiến tranh gây ra. Ngoài số tiền này, 350 USD được gửi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình với mục đích tương tự.[82] Cùng trong năm này, sau một thời gian dài, Tổng giám mục Khuê được cho gặp một linh mục người Mỹ. Linh mục này tên Bury, cũng là vị linh mục ngoại quốc đầu tiên cử hành lễ Công giáo ở miền Bắc trong suốt thời gian 25 năm. Nhận định của Bury về Tổng giám mục Hà Nội là Giáo hoàng Gioan của Việt Nam, với vóc dáng mập mạp và tử tế.[83]

Tuy sức khỏe kém, nhưng Tổng Giám mục Khuê vẫn tiếp tục điều hành giáo hội tại miền Bắc. Tháng 5 năm 1974, ông được Tòa Thánh mời dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, nhưng với lý do sức khỏe, ông đã cử Tổng Giám mục phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn đi thay cùng với linh mục thư ký Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang tháp tùng.[84] Ngày 25 tháng 1 năm 1975, Tổng giám mục Trịnh Như Khuê và Tổng giám mục phó Trịnh Văn Căn có cuộc yết kiến Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng. Ngoài Thủ tướng Đồng, trong cuộc gặp còn có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng Nguyễn Văn Ngọc và ông Phạm Quang Hiệu, đại diện Ban Tôn giáo. Trong cuộc gặp, Tổng giám mục Khuê chuyển lời Giáo hoàng Phaolô VI cảm ơn chính quyền Việt Nam đã tạo điều kiện cho các giáo sĩ tham gia Thượng Hội đồng Giám mục. Ông Thủ tướng bày tỏ vui mừng về sự đóng góp của người Công giáo Việt Nam.[85][86]

Thăng tước Hồng y

Phần mộ của Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê

Đánh giá cao những nỗ lực của vị Tổng Giám mục Hà Nội, sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 28 tháng 4 năm 1976, Giáo hoàng Phaolô VI chọn Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê làm Hồng y in pectore.[2][3] Hồng y Trịnh Như Khuê là Hồng y đầu tiên của Việt Nam,[87][88] với tước vị Hồng y linh mục nhà thờ San Francesco di Paola ai Monti.[4] Nhà thờ hiệu tòa được chỉ định bởi Giáo hoàng vào ngày 26 tháng 5 năm 1976, hai ngày sau công nghị thăng hồng y.[89] Trước đó, khi Giáo hoàng Phaolô VI chọn hai hồng y in pectore. Một số nhận định đồn đoán Giám mục Frantisek Tomasek, Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Prague, đã được Giáo hoàng chọn. Nhận định cũng cho rằng dựa vào việc bày tỏ sự xúc động với hoàn cảnh của giáo hội Công giáo tại Việt Nam, có thể Giáo hoàng đã nghĩ đến Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình của Sài Gòn đang bị quản thúc tại gia.[90][gc 1]

Việc đội chiếc mũ hồng y trên đầu vị Tổng giám mục Hà Nội trong công nghị thăng Hồng y ngày 24 tháng 5 năm 1976 gây nhiều bất ngờ cho mọi người, vì đây là một trong hai hồng y in pectore trong lần công bố danh sách các tân hồng y chỉ một tháng trước.[92][93] Việc hoãn công bố chính thức Tân Hồng y Việt Nam là nhằm mục đích chờ vị Hồng y có thể được cấp phép rời Việt Nam đến Rôma và công bố chính thức tại buổi lễ.[3] Thực tế, ông được chính quyền chấp thuận cho xuất cảnh vào những thời hạn gần chót.[94] Sau khi chính quyền Việt Nam và Tòa Thánh đạt thỏa thuận thăng Tổng giám mục Khuê tước vị hồng y, vị tân chức đã đến Rôma chỉ một đêm trước ngày diễn ra công nghị.[95] Mục đích của việc thương thảo này là Tòa Thánh muốn chắc chắn các sinh hoạt tôn giáo tại Tổng giáo phận bị cản trở khi Tổng giám mục Khuê được thăng Hồng y.[96] Một số người thân cận nhận định quyết định thăng tước hồng y cho Tổng giám mục Hà Nội là tín hiệu của Tòa Thánh Vatican dành cho chính quyền Hà Nội rằng họ vẫn đang quan tâm các giáo hữu Công giáo ở Việt Nam.[97][98]

Do chuyến đi gấp, ông không có thời gian may đo phẩm phục đỏ của hồng y. Vì vậy, trong nghi thức độ mũ brietta đỏ, Hồng y tân cử vẫn mặc phẩm phục tím dành cho hàng giám mục.[95][97] Trước nghi thức thăng tước vị của hồng y Khuê, Hồng y Quốc vụ khanh Jean Villot công bố thông tin và giới thiệu với những người dự lễ Hồng y in pectore Trịnh Như Khuê. Hồng y Tân cử sau đó tiến lên thực hiện phần nghi thức. Giáo hoàng Phaolô VI dang rộng cánh tay đón Trịnh Như Khuê trước nghi thức đội mũ cho ông. Sau khi tân hồng y tạm rời phòng họp, một phụ tá tại Vatican đã trao cho ông áo cassock, đai lưng và mũ zucchetto đỏ - phẩm phục mang màu sắc đại diện tước hồng y.[95][99] Khoảng ít ngày công nghị, ông đã có thời gian trò chuyện ngắn với các đai diện Công giáo đến từ Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho các người tị nạn gốc Việt Nam và ban phước lành cho những người tị nạn đang sống tại Hoa Kỳ.[99] Thông tin được đăng tải trên tờ Catholic Transcript ngày 4 tháng 6 cùng năm, Tòa Thánh chính thức bổ nhiệm ông làm thành viên Thánh bộ Phụng tự và Kỉ luật Bí tích thuộc Giáo triều Rôma.[5] Thông tin từ nguồn Vatican xác nhận việc bổ nhiệm này có hiệu lực từ ngày diễn ra công nghị, 24 tháng 5.[6]

Sau khi trở về Việt Nam, Hồng y Khuê tiếp kiến thủ tướng Phạm Văn Đồng vào ngày 31 tháng 8 cùng năm.[100] Trong một báo cáo mật gửi từ Rôma đến Cục các vấn đề Khu vực Châu Âu và Châu Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có nhận định việc Hồng y Khuê được chọn làm Hồng y đã được Vatican thảo luận với chính quyền Việt Nam hai năm trước đó, trong bối cảnh Vatican cố gắng xây dựng mối quan hệ với Việt Nam. Lá thư nhận định rằng sau khi tân hồng y đến Rôma, để giữ bí mật đến tận cùng, vị tân cử không được cho mặc trang phục hồng y.[101]

Tham dự Thượng Hội đồng, Mật nghị Hồng y

Cuối tháng 8 năm 1976, 170 nhà lãnh đạo tôn giáo tại Hoa Kỳ ký tên ủng hộ sáng kiến của Clergy and Laity Concerned, qua đó gửi thư và lời mời 7 nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam, trong đó có Hồng y Trịnh Như Khuê và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đến thăm Hoa Kỳ. Tổ chức này là tổ chức liên tôn thành lập với mục đích ban đầu là phản đối sự can dự của Hoa Kỳ vào cuộc chiến ở Việt Nam. Tuy vậy, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận cấp thị thực cho người Việt Nam.[102] Tháng 12 năm 1976, linh mục Canada Andre Gelinas, thuộc dòng Tên bị trục xuất khỏi Việt Nam sáu tháng trước đó lên tiếng cáo buộc Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã cộng tác với chính quyền theo tư tưởng Cộng sản, gây ra bất đồng giữa những tín đồ Công giáo. Linh mục Gelinas cho biết các giám mục Việt Nam phân hóa thành hai khuynh hướng: không khoan nhượng theo phía Hồng y Trịnh Như Khuê và cộng tác với chính quyền mà đại diện là tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Linh mục này cho rằng khuynh hướng này làm cho giáo sĩ và giáo dân bất an. Song song với việc chỉ trích Tổng giám mục Bình, linh mục này bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm và hành động của hồng y Trịnh Như Khuê.[103]

háng 2 năm 1977, Nữ tu Tobin, thành viên tổ chức Church Women United, một nhóm hoạt động liên tôn giáo gửi lời mời hai vị chức sắc Công giáo Việt Nam là Hồng y Trịnh Như Khuê và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đến Hoa Kỳ nhằm mục đích mô tả việc tái thiết Việt Nam và thảo luận về tự do tôn giáo ở Việt Nam.[104] Tòa thánh Vatican đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam cho hai thành viên tham gia Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tổ chức cuối tháng 9 năm 1977. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Hồng y Trịnh Như Khuê được cho phép đến Roma để tham dự sự kiện này. Trong thời gian này, có nhận định từ Rôma rằng Tổng giám mục Bình không dám đứng lên phản ứng lại chính quyền tư tưởng Cộng sản bằng Hồng y Trịnh Như Khuê. Hồng y Khuê được nhắc đến là đã không tham gia bỏ phiếu, mặc dù chính quyền Việt Nam đã dùng loa hướng vào Tòa giám mục kêu gọi ông đi bỏ phiếu.[105] Ngày 10 tháng 9 năm 1977, ông cùng Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tham gia Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.[106] Trước khi tham dự Thượng Hội đồng, ông và Tổng giám mục Bình được phép thăm viếng Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tại tù.[107] Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục tái xác nhận với sự tham dự của hai nghị phụ người Việt Nam vào ngày 29 tháng 9 cùng năm.[108] Trong khuôn khổ Thượng Hội đồng, Giáo hoàng Phaolô tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 80 của mình. Ông chọn ra 10 hồng y đại diện cho tất cả các châu lục cùng đồng tế thánh lễ này. Hồng y Khuê là một trong số mười vị được chọn.[109]

Giáo hoàng Phaolô VI đã có cuộc gặp và trò chuyện riêng với ba giám mục Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 1977. Ba vị này gồm Hồng y Khuê, Tổng giám mục phó Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn và Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bình.[110] Phát biểu trong một cuộc gặp với ba giáo sĩ trên cũng trong một cuộc gặp tháng 12 năm 1977, giáo hoàng cho rằng thế giới đã lãng quên Việt Nam, khi khao khát chiến tranh đã qua đi và khi đất nước này đang tái thiết.[111]

Ngày 6 tháng 8 năm 1978, Giáo hoàng Phaolô VI qua đời.[112] Hồng y đoàn gặp khó khăn khi liên lạc với vị hồng y Hà Nội, khi mối quan hệ giữa Tòa Thánh và Hồng y Khuê. Tuy vậy, đến ngày 14 tháng 8 cùng năm, nguồn tin Vatican xác nhận Hồng y Khuê sẽ được phép tham gia Mật nghị Hồng y.[113][114] Cũng trong khoảng thời gian này, ông đón tiếp đoàn đại diện Hoa Kỳ đến nghiên cứu và làm việc cùng chính quyền Việt Nam do Tổng Giám mục Hannan dẫn đầu. Hồng y Khuê cũng có cuộc gặp với ông này. Trong khuôn khổ cuộc gặp, hồng y xác nhận các thực hành tín ngưỡng được cho phép tại Việt Nam. Các nhà thờ Công giáo cũng được phép mở cửa.[115]

Sau khi Giáo hoàng qua đời, Hồng y Khuê sang Rôma dự tang lễ và với tư cách thành viên trong Hồng y đoàn, ông dự mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới là Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Nhưng chưa kịp về lại Việt Nam, tân Giáo hoàng qua đời[116] và Hồng y Khuê ở lại Vatican để tiếp tục tham gia mật viện bầu Giáo hoàng – và lần này là Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 16 tháng 10.[117] Như vậy, Hồng y Trịnh Như Khuê là người đầu tiên của Việt Nam đã tham dự hai lần bầu Giáo hoàng.[118] Ông cũng là một trong hai hồng y cao tuổi nhất tham dự Mật nghị năm 1978.[119]

Qua đời

Ngày 25 tháng 11 năm 1978, Hồng y Khuê về đến Hà Nội. Tối ngày 26 tháng 11, ông cử hành thánh lễ và chủ sự chầu Thánh thể ở Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tối ngày 27, ông đột ngột qua đời, thọ 80 tuổi, sau 28 năm trên cương vị Giám mục và hơn 2 năm với tước vị Hồng y. Câu nói cuối cùng của ông trước khi từ giã cõi đời là: Chịu lễ. Cái chết bất ngờ của vị Hồng y làm rộ lên những nghi vấn, nhưng pháp y khẳng định ông bị nhồi máu cơ tim.[1][8] Nguyên nhân cái chết được loan báo trên các phương tiện truyền thông Công giáo như Vatican Radio là tái phát bệnh viêm phổi.[120][121] Theo một trong những thành viên của Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ Công giáo từng ghé thăm vị Hồng y trước đó không lâu xác nhận cố hồng y sống ở một nhà xứ nhỏ ngoại thành Hà Nội.[121] Nhắc nhớ về cố hồng y, giáo hoàng Phaolô VI nhận định ông là một hồng y kiên cường và trung thành.[122] Cố hồng y là đại diện duy nhất của Giáo hội Việt Nam trong hồng y đoàn và cũng là một trong tám vị hồng y đến từ Á châu. Sau khi Hồng y Khuê qua đời, hồng y đoàn còn 124 vị, với 109 vị dưới 80 tuổi có quyền tham gia Mật nghị.[123]

Trong những cuốn sách phát hành của tác giả Lucien Gregoire, ông này trích dẫn Hồng y Trịnh Như Khuê qua đời vì ung thư tế bào tuyến vùng dạ dày, trùng hợp với căn bệnh ghi trên giấy chứng tử của Hồng y Valerian Gracias, cũng qua đời sau Mật nghị Hồng y tháng 8 năm 1978. Một Hồng y khác là Hồng y người Trung Quốc Phaolô Vu Bân cũng qua đời, với lý do bệnh tim sau mật nghị, dù rằng người thân cận của Hồng y này cho biết ông chưa từng có tiền sử bệnh tim và yêu cầu khám nghiệm tử thi.[124] Tác giả Lucien Gregoire viết trong hai quyển sách của mình là Murder in the Vatican: The CIA and the Bolshevik Pontiff và Murder by the Grace of God: The CIA and Pope John Paul I đều trích dẫn những việc này và riêng trong quyển sách thứ hai kể trên, ông này cho rằng những Hồng y này dường như là nạn nhân trong Mật nghị Hồng y năm 1978.[125]

Lễ tang của Hồng y Trịnh Như Khuê được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 do Tổng Giám mục kế vị Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ sự cùng đồng tế với 11 Giám mục, 50 linh mục. Hai vạn giáo dân đã đến quảng trường Đức Mẹ Hà Nội tiễn đưa.[8] Mộ phần cố Hồng y đặt tại gian chính nhà thờ chính tòa Hà Nội,[126] ngay dưới bậc tam cấp giữa nhà thờ dẫn lên cung thánh, đó cũng là ước nguyện của ông, nhắc nhở khi giáo dân lên rước lễ, đặt chân lên phần mộ của ông thì hãy nhớ đến ông và cầu nguyện.[127]

Sau khi Trịnh Như Khuê qua đời hơn 20 năm, năm 2000, tên ông được đặt làm tên đường ở Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường này dài 2,6 km, vốn là một đường xe lửa cũ thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho ngày xưa.[128]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giuse_Maria_Trịnh_Như_Khuê http://www.apostolische-nachfolge.de/vietnam1.htm http://ttntt.free.fr/archive/vusinhhien.html#_ftn1... http://conggiao.info/phan-mo-duc-hong-y-giuse-mari... http://saigonecho.info/main/doisong/tongiao/7942-T... http://danchuausa.net/hiep-thong/con-duong-lua-cho... http://danchuausa.net/hiep-thong/lai-chuyen-dat-da... http://danchuausa.net/luu/duc-gioan-xxiii-voi-bi-m... http://www.truyen-tin.net/ViewDSGM.aspx?ID=7&tabid... http://www.vietcatholic.net/News/Html/73109.htm http://www.catholic-hierarchy.org/bishop/btrnk.htm...